Tại sao chọn ngày 5/6?
Nhân ngày khai mạc Hội nghị Môi trường Thế giới đầu tiên tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) hôm 5/6/1972, UNEP (United Nations Environment Programme) đã công bố chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường Thế giới (tiếng anh: World Environment Day, viết tắt là WED).
Trong phiên họp ngày 15 /12/1972, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra quyết nghị chính thức. Kể từ đó, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng tham gia vào ngày kỷ niệm này.
Đây cũng là ngày để nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Trong tuần lễ quanh ngày 5/6 hàng năm, các nước sẽ tổ chức các hoạt động để hứng ứng, cùng với đó là các chủ đề theo từng năm.
Năm 2023, UNEP phát động chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).
Còn chủ đề của ngày Môi trường Thế giới 2024 sẽ là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience). Sự kiện này sẽ diễn ra vào thứ 4 tới.
Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày 5/6/2024
Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sinh thái của từng vùng; tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Các địa phương tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc; tăng cường bổ sung kinh phí, nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán....